Thứ năm, 05/08/2021Lượt xem: 405
Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan giúp cảng Cát Lái giải tỏa áp lực hàng hóa trong thời gian giãn cách phòng dịch.
Ba nhóm giải pháp từng bước gỡ “nút thắt”
Những ngày vừa qua, nhiều hãng tàu lớn và chủ hàng không khỏi lo lắng trước thông tin cảng Cát Lái - cảng biển đang đảm nhận 40% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đứng trước nguy cơ tắc nghẽn do khó khăn trong công tác giải phóng hàng nhập trong thời gian các tỉnh, thành phía Nam đồng loạt giãn cách xã hội để chặn nguy cơ lây lan của dịch Covid-19.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, sau khi tiếp nhận báo cáo của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Tân Cảng Sài Gòn - doanh nghiệp khai thác cảng), thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN đã gấp rút tổ chức họp trực tuyến với Tân Cảng Sài Gòn và các đơn vị có liên quan để họp bàn các phương án, giải pháp tập trung xử lý các vướng mắc hiện hữu. Tại cuộc họp này, tất cả khó khăn, vướng mắc đều được nhận diện, Cục Hàng hải và Tân Cảng Sài Gòn thống nhất triển khai 3 nhóm giải pháp tháo gỡ.
Nhóm giải pháp thứ nhất là giao Chi cục Hàng hải VN tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với DN khai thác cảng rà soát, làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để cùng chủ hàng tháo gỡ các vướng mắc, sớm nhận hàng để tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng.
“Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng hải đã yêu cầu cũng CVHH TP Hồ Chí Minh xây dựng phương án điều tiết tuyến tàu cập cảng Cát Lái sang các cảng lân cận (VICT, SPCT, SP-ITC, TCIT, TCTT, CMIT, SSIT,...) trong trường hợp cảng Cát Lái phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu.
Đồng thời, chỉ đạo các cảng vụ trong cả nước dự liệu tình huống diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết hàng hóa trong từng khu vực cảng biển và giữa các khu vực với nhau trong trường hợp cảng biển các khu vực: TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu ngưng tiếp nhận tàu”, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN."
Nhóm giải pháp thứ hai là giao Tân Cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, container hàng xuất, container rỗng phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập; Nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi; Điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng,..
Nhóm giải pháp thứ ba là yêu cầu tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, cảng Tân Cảng Hiệp Phước về cảng Tân Cảng Cát Lái (chủ hàng nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân cảng Hiệp Phước, các ICD, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, DN của mình).
Cùng đó, Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Hàng hải VN khẩn trương thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại TP Hồ Chí Minh để trực tiếp chỉ đạo, điều hành các giải pháp, đảm bảo duy trì hoạt động của cảng Cát Lái và các bến cảng khác tại khu vực; Cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận 24/24 các thông tin của các DN đang có hàng tồn bãi tại bến cảng Cát Lái để hỗ trợ DN.
Sau 3 ngày triển khai các nhóm giải pháp trên (từ ngày 2 - 4/8/2021), Sở chỉ huy tiền phương của Cục Hàng hải đã phối hợp với Tân Cảng Sài Gòn rà soát được gần 200 DN có lượng hàng nhập tồn tại bến cảng Cát Lái số lượng nhiều, qua đó nắm bắt được kế hoạch sản xuất của từng DN, dự kiến kế hoạch rút hàng và các vướng mắc liên quan.
Trên cơ sở đó, 15 DN khó khăn nhất được lựa chọn để họp trực tuyến hàng ngày với cơ quan chức năng để bàn các giải pháp tháo gỡ.
Xác định nguyên nhân của việc hàng hóa, đặc biệt là hàng nhập tại cảng Cát Lái tăng cao là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN trong khu vực phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động, Cục Hàng hải đã có công văn đề nghị UBND các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương hỗ trợ tạo điều kiện để DN đóng trên địa bàn có thể nhận hàng, giảm áp lực cho cảng Cát Lái.
Đối với nhóm giải pháp số 2, theo báo cáo, hàng loạt công việc đã được Tân Cảng Sài Gòn cấp bách triển khai, gồm: thông báo đến khách hàng/hãng tàu hạn chế hoặc không tiếp nhận hàng từ các cơ sở cảng Cái Mép, Hiệp Phước về cảng Cát Lái; Tiếp tục làm việc và thuyết phục khách hàng điều chỉnh “cảng đích” (nơi nhận hàng trực tiếp) về cảng TCIT/TCTT và cảng Tân Cảng Hiệp Phước đối với container của các tàu cập cảng TCIT/TCTT.
Tân Cảng Sài Gòn cũng lên kế hoạch và thực hiện chuyển container hàng nhập tồn lâu ngày (trên 90 ngày) đi cảng Tân Cảng Hiệp Phước để lấy thêm chỗ chứa container hàng nhập tại cảng Cát Lái; Nghiên cứu ban hành chính sách giảm giá để khuyến khích chủ hàng đến nhận hàng sớm tại Cát Lái và Hiệp Phước.
Các giải pháp như: thương thảo hợp đồng chuyển một số tàu sang các bến cảng: Tân Thuận với tần suất 3 chuyến/tuần; bến cảng Bến Nghé 3 chuyến/tuần; Bến cảng SPCT đang đàm phán phương án khai thác; Điều chỉnh thời gian hạ bãi cảng đối với container hàng khô thông thường tại Cát Lái, tiếp nhận container trước không quá 3 ngày so với thời điểm dự kiến tàu đến cảng; Chuyển hơn 6.000 TEUs container rỗng tồn trong cảng ra ngoài kho bãi thuộc Tân Cảng,...
“Với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp, hàng tồn tại cảng Cát Lái đã giảm. Nếu như trong ngày 3/8, lượng hàng tồn toàn cảng là gần 108.800 Teus, chiếm 87,7%; thì ngày 4/8, lượng hàng tồn giảm còn hơn 106.700 Teus, chiếm 85,1%.
Thời điểm thứ 2, 3, 4 tuần trước, lượt tàu vào, rời cảng Cát Lái là 57 tàu, cùng thời điểm của tuần này, số tàu hoạt động khu vực cảng là 41 tàu (giảm hơn 28%). Hàng nhập cũng giảm hơn 6.300 TEUs so với cùng thời điểm (giảm 32,67%)”, ông Sang nói và cho biết, lượng hàng giảm này đã được chuyển từ Cát Lái về các cảng lân cận và khu vực Cái Mép.
Bộ, ngành “xắn tay” tháo gỡ cùng doanh nghiệp
Trước đó, với tình thế cấp bách của Cát Lái, trên cơ sở đề nghị của DN, Cục Hàng hải đã nhanh chóng tham mưu Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan) có cơ chế cho phép Tân Cảng Sài Gòn vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung (bao gồm cả container tồn đọng trên 90 ngày) về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng và thanh lý hàng tồn đọng tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước và các ICD: Tân Cảng Nhơn Trạch, Tân Cảng Long Bình (Đồng Nai), Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương).
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh lập điểm xét nghiệm nhanh và cấp giấy 24/7 tại địa điểm do Tân Cảng Sài Gòn đề xuất để phục vụ đối tượng lái xe có giấy chứng nhận hết hạn hoặc sắp hết hạn ra, vào cảng Cát Lái được thuận tiện, nhanh chóng.
Đối với lực lượng hải quan, Bộ GTVT, Cục Hàng hải cũng kiến nghị cần nhanh chóng thanh lý hàng tồn đọng; Mở rộng các danh mục hồ sơ được tải lên Cổng thông tin một cửa Quốc gia mà không cần bản giấy. Trước mắt, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho phép DN nộp bản chứng thư scan bằng điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 và bổ sung bản gốc sau để hạn chế người đến cảng làm thủ tục.
Sau khi nghiên cứu các giải pháp cơ quan ngành GTVT và Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đưa ra, ngay trong ngày 2/8, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa XNK thông qua cảng Cát Lái.
Trong đó, danh mục các loại hàng hóa đang lưu giữ tại cảng được vận chuyển đến cảng biển khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các cảng cạn/ICD được hướng dẫn cụ thể, bao gồm: hàng hóa nguyên container; hàng chưa được đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu; Hàng không có dấu hiệu nghi vấn, vi phạm trong diện cơ quan chức năng theo dõi; Toàn bộ lô hàng thuộc cùng một vận đơn, một chủ hàng về cùng một địa điểm lưu giữ hàng hóa,…
“Thông báo của Tổng cục Hải quan cũng nêu rõ các địa điểm hàng hóa từ cảng Cát Lái được vận chuyển đến. Cụ thể, đối với hàng nhập khẩu của các DN tại tỉnh Đồng Nai sẽ vận chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch.
Hàng hóa nhập khẩu của các DN tại tỉnh Bình Dương có thể vận chuyển về ICD Tân Cảng Sóng Thần. Hàng hóa nhập khẩu của các DN tại các tỉnh miền Tây sẽ được vận chuyển về Tân Cảng Hiệp Phước.
Ngay sau đó, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã chủ trì họp với các Cục các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tân Cảng Sài Gòn để bàn triển khai văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái”, ông Sang thông tin.
Được biết, thời điểm hiện tại, Tân cảng Sài Gòn cũng đã ban hành chính sách giảm giá nhiều dịch vụ để khuyến khích chủ hàng đến nhận hàng sớm tại Cát Lái, Hiệp Phước nhằm thúc đẩy nhanh việc rút hàng ra khỏi bãi cảng, tạo khoảng trống để tiếp nhận các hàng nhập.
Trước đó, cuối tháng 7/2021, Tân Cảng Sài Gòn đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng về khó khăn trong tổ chức hoạt động cảng Cát Lái.
Theo báo cáo, sau 3 tuần TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19, dung lượng tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, đặc biệt dung lượng dành cho hàng nhập luôn trên 100% công suất. Cảng Cát Lái đối mặt nguy cơ tạm ngưng hoạt động để chờ giải phóng hàng.
VIETNAM SHIPPINGGAZETTE